TRUNG TÂM GIÁO DỤC QP&AN TỔ CHỨC NGHIỆM THU THÀNH CÔNG ĐỀ TÀI KHCN CẤP TRƯỜNG
MÃ SỐ: TR2023-13-03
Thực hiện Quyết định số: 623/QĐ-ĐHNT ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, chiều ngày 27 tháng 5 năm 2024, Trung tâm Giáo dục QP&AN đã tổ chức buổi Họp đánh giá, nghiệm thu Đề tài KHCN cấp Trường “TR2023-13-03: Xây dựng công cụ hỗ trợ đánh giá kết quả học tập học phần Công tác quốc phòng và an ninh theo hướng tiếp cận năng lực người học tại Trường Đại học Nha Trang” do ThS. Bùi Thanh Tuấn, giảng viên Bộ môn Giáo dục quốc phòng làm Chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm 05 thành viên, do Thượng tá Nguyễn Ánh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục QP&AN làm Chủ tịch Hội đồng.
Các nội dung nghiên cứu của đề tài được tiến hành theo hướng nghiên cứu khuyến nghị từ đề tài KHCN cấp Trường có Mã số: TR2021-13-01. Với phạm vi nghiên cứu tập trung vào các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập học phần Công tác QP&AN, thì mục tiêu của đề tài là: Thiết kế, xây dựng và nghiên cứu các biện pháp vận dụng hiệu quả bộ công cụ hỗ trợ hoạt động giảng dạy và đánh giá KQHT học phần Công tác QP&AN theo hướng tiếp cận năng lực người học tại Trường Đại học Nha Trang.
Hội đồng đã đánh giá: Bản báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài đã được Chủ nhiệm đề tài và Ctv đầu tư nghiên cứu, xây dựng một cách nghiêm túc, bài bản, công phu và có chất lượng cao; bám sát các yêu cầu, mục tiêu đề ra; cấu trúc logic, rõ ràng, bao quát được đầy đủ các vấn đề lý luận, thực tiễn; các phân tích, đánh giá tương đối chính xác, sâu sắc; nội dung thông tin, số liệu phong phú, đáng tin cậy; hệ thống các biện pháp toàn diện, cụ thể, khả thi và thiết thực.
Ngoài việc làm rõ được những vấn đề lý luận và đánh giá được thực trạng xây dựng và sử dụng công cụ hỗ trợ hoạt động giảng dạy và đánh giá KQHT của người học theo hướng tiếp cận năng lực tại Trường Đại học Nha Trang đối với các học phần lý luận nói chung và học phần Công tác QP&AN nói riêng. Đề tài đã bước đầu thiết kế, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ đánh giá KQHT của người học theo hướng tiếp cận năng lực vận dụng đối với học phần Công tác QP&AN tại Trường Đại học Nha Trang.
Đề tài đã chỉ ra được một số hạn chế, vướng mắc trong việc thiết kế, xây dựng và áp dụng công cụ hỗ trợ đánh giá KQHT người học như: i/ Đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa thực sự chủ động trong việc triển khai thực hiện các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá KQHT và công tác hậu kiểm; ii/ Mức độ đóng góp, tiếp cận và vận dụng công cụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy là khác nhau…; iii/ Hệ thống các văn bản giúp điều chỉnh những hoạt động đặc thù của môn học Giáo dục QP&AN chưa được ban hành kịp thời và sát thực tiễn hoạt động đào tạo...
Đề tài đã nghiên cứu cơ sở và đề xuất phương án sử dụng hiệu quả bộ công cụ trong từng giai đoạn dạy học và đánh giá KQHT của người học được thiết kế thông qua một hàm điểm tổng kết học phần (Fđtk) gồm 4 thành tố gồm: Điểm thi kết thúc học phần, điểm đánh giá chéo giữa các nhóm sinh viên sau khi kết thúc học phần, điểm đánh giá toàn bộ quá trình của người học và điểm thực hiện các nội quy, quy định. Đây là phương án cơ bản, có tính khả thi cao nhằm tạo điều kiện vận dụng tốt nhất những hỗ trợ tích cực từ bộ công cụ là sản phẩm của đề tài và cũng là cơ sở để mỗi cán bộ giảng dạy không ngừng phát triển, hoàn thiện bộ công cụ, nhằm đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và đánh giá KQHT học phần Công tác QP&AN tại Trường Đại học Nha Trang trong giai đoạn mới.
Phát biểu kết luận buổi họp, Chủ tịch Hội đồng - Thượng tá Nguyễn Ánh Dương đã thay mặt Hội đồng, bên cạnh việc đánh giá rất cao tính cấp thiết và kết quả nghiên cứu của Đề tài, các thành viên Hội đồng cũng đưa ra một số gợi ý, trao đổi để chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu hoàn thiện thêm, ví dụ như: bổ sung khái niệm “Đánh giá” vào phần cơ sở lý luận, làm rõ hơn các rubric đánh giá KQHT, lược bỏ các khuyến nghị không có tính khả thi trong Bản báo cáo tổng kết... Đánh giá chung, các thành viên Hội đồng cho rằng đây là một công trình nghiên cứu công phu, chất lượng tốt, có giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn cao, do đó, Hội đồng đã xếp loại Đề tài này là “Tốt”./.